Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

A. GIỚI THIỆU VỀ XÃ THIỆN TÂN

          I. BỘ MÁY HÀNH CHÍNH

          Xã Thiện Tân thuộc xã loại I được phân loại tại Quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 27/5/2021 của CT UBND tỉnh Lạng Sơn.

          Cơ quan Ủy ban nhân dân xã Thiện Tân hiện có 27 cán bộ, công chức (13 cán bộ và 14 công chức). Trong đó: Khối Đảng 03 người; Khối chính quyền 05 người; MTTQ các Đoàn thể 05 người; Công Chức 14 người.

          II. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ DÂN CƯ

          1. Vị trí địa lý

          Xã Thiện Tân là xã vùng 3 (xã đặc biệt khó khăn) thuộc phía tây của huyện Hữu Lũng, xã được thành lập từ ngày 01/01/2020 trên cơ sở sáp nhập xã Tân Lập với xã Thiện Kỵ. Phía Đông giáp xã Minh Tiến; phía Tây giáp tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thái Nguyên; phía Nam giáp xã Đồng Tiến và xã Thanh Sơn; Phía Bắc giáp xã Quyết Thắng và xã Yên Bình.

          2Dân cư

          Xã Thiện Tân có tổng dân số 6.351 nhân khẩu, 13 thôn với 1.448 hộ, có 9 dân tộc (Nùng, Tày, Kinh, Cao Lan, San Chí, Dao, Vân Kiều, Thái, Thổ) cùng sinh sống trên địa bàn xã. Địa hình chủ yếu là đồi, núi với đường giao thông đi lại rất khó khăn. Nền kinh tế của địa phương chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp.

          III. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

          1. Địa hình, đất đai, thổ nhưỡng

          Xã Thiện Tân là một xã vùng núi có địa hình tương đối phức tạp, trong đó phần lớn là đồi núi. Một số khu vực có địa hình thung lũng khá bằng phẳng tạo điều kiện cho phát triển các cây nông nghiệp của xã. Do địa hình phức tạp. Giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn nên rất hạn chế việc phát triển kinh tế. Nhất là trong lĩnh vực phát triển dịch vụ thương mại.

          Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 4.921,08 ha.

          - Đất nông nghiệp: 4.163,49ha, chiếm 84,61% diện tích tự nhiên của xã.

          + Sản xuất nông nghiệp : 1.335,97ha, chiếm 27,15% diện tích đất tự nhiên.

          + Nuôi trồng thủy sản: 31,92 ha, chiếm 0,65% diện tích đất tự nhiên.

          + Đất lâm nghiệp: 2.795,61ha, chiếm 56,81% diện tích đất tự nhiên.

          - Đất phi nông nghiệp: 421,68 ha, chiếm 8,57 % diện tích tự nhiên của xã

          2. Khí hậu, thủy văn

          Xã Thiện Tân là khu vực nằm trong vùng khí hậu Trung du miền núi phía Bắc, mang những nét điển hình của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khô lạnh và ít mưa vào mùa đông, nóng ẩm mưa nhiều vào mùa hè. Khu vực chịu ảnh hưởng của 02 luồng gió chính là gió mùa Đông Bắc và gió Đông Nam. Ngoài ra, còn chịu sự chi phối của yếu tố hoàn lưu, vừa bị biến dạng bởi địa hình. Mùa đông nhiều gió Bắc. Mùa hè nhiều gió Nam và Đông Nam.

          Nhìn chung khí hậu tương đối thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp. Đặc biệt thời gian mùa khô tương đối dài nên vào đúng dịp các loại cây ăn quả lâu năm ra hoa rất thuận lợi cho việc thụ phấn, đậu quả. Song sự phân hóa của thời tiết theo mùa còn nhiều hiện tượng đặc biệt như mưa phùn, rét đậm, rét hại, sương muối nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ hải sản, các loại cây trồng vụ đông.

          3. Tài nguyên rừng

          Tổng diện tích rừng toàn xã đạt khoảng 2.600 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Diện tích đất rừng của xã là rừng sản xuất chủ yếu là bạch đàn và keo phục vụ cho nguyên liệu giấy và nguồn chất đốt của gia đình đem lại giá trị lớn cho ngành nông - lâm nghiệp. Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng được thực hiện tốt.

          4. Giao thông

          Mạng lưới giao thông của xã Thiện Tân về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

          Đường huyện 91 Vân Nham – (Tân Lập cũ) - Đồng Bụt: Chiều dài qua xã khoảng 14,7 km, mặt đường 3 – 3,5m , nền đường 4 – 5,5m , kết cấu đường cấp phối và đường đất.

          Đường liên thôn có tổng chiều dài khoảng 25,75 km, mặt đường 2 – 3m , nền đường 2,5 – 3,5m , kết cấu đường BTXM 2,5km và đường đất 23,25km.

          Đường ngõ xóm: Có tổng chiều dài khoảng 45,75 km, mặt đường 1,5 – 2m, nền đường 2 – 3m , kết cấu đường BTXM 16,2km và đường đất 29,55km.

          IV. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

          Xã Thiện Tân được thành lập từ ngày 01/01/2020 trên cơ sở sáp nhập xã Tân Lập với xã Thiện Kỵ. Theo Nghị quyết 818/NQ-UBTVQH14, ngày 21/11/2019 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn.

          - Tuy nhiện về lịch sử hình thành xã Thiện Tân trước đó như sau:

          Đầu thời Nguyễn, Hữu Lũng có 4 tổng (Hữu Thượng, Hưng Vĩ, Vân Nham, Thuốc Sơn) với 28 xã, Thiện Kỵ thuộc tổng Hưng Vỹ. Ngày 05 tháng 11 năm 1889 thực dân Pháp cắt toàn bộ đất đai của Hữu Lũng để thành lập tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam chỉ tồn tại đến tháng 8 năm 1891 và được thay thế bằng Đạo quan binh Phả Lại; ngày 10 tháng 10 năm 1895 Đạo quan binh Phả Lại giải tán, tỉnh Bắc Giang được thành lập gồm hai phủ Lạng Giang và Đa Phúc, lúc này Hữu Lũng thuộc phủ Lạng Giang (và thuộc Đạo quan binh Yên Thế). Ngày 11 tháng 04 năm 1900, châu Hữu Lũng gồm 02 tổng Vân Nham và Thuốc Sơn, xã Thiện Kỵ thuộc tổng Vân Nham huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc Giang. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời bỏ cấp tổng, xã Thiện Kỵ thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc Giang. Xã Thiện kỵ gồm có 04 thôn (trong đó có 22 xóm): Thôn Đồng Mạ, Làng Lân, Làng Cuồng, Mỏ Ám. Ngày 30 tháng 11 năm 1953, xã Thiện Kỵ tách thành 02 xã Thiện Kỵ và Tân Lập; xã Tân lập có 02 thôn Làng Lẻo, Đồng Can, trong đó có 05 xóm là Đá mài, Đoàn Kết, Đồng Mạ, Hợp Thành, Lân Mơ. Ngày 29 tháng 7 năm 1956, nhân việc thành lập Khu tự trị Việt Bắc, theo quyết định của Chính phủ, Hữu Lũng trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Lạng Sơn, xã Tân Lập thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn.    

          Trải qua quá trình hình thành và phát triển, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước ngày 01 tháng 01 năm 2020 xã Thiện kỵ và xã Tân Lập sáp nhập thành xã mới với tên gọi xã Thiện Tân, theo Nghị quyết 818/NQ-UBTVQH14, ngày 21/11/2019 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn.

          - Truyền thống văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh

          Năm 1951, dân số xã Thiện Tân , trước đó là Thiện Kỵ, Tân Lập nay là Thiện có 1.159 người, dân tộc Cao Lan và dân tộc Nùng chiếm là nhiều hơn cả, nên phong tục, tập quán xưa kia chủ yếu của dân tộc Cao Lan, Nùng. Có 05 dân tộc anh em quần tụ bên nhau là: Cao Lan, Nùng, Kinh, Tày, Vân Kiều; Là một địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống xen kẽ, hoà thuận với nhau trên một địa bàn cư trú đã tạo nên cho địa phương một đời sống văn hoá tinh thần hết sức đa dạng, phong phú; nhân dân các dân tộc trong xã không có dân tộc nào có đạo riêng, chủ yếu theo tập quán cha ông để lại là thờ cúng tổ tiên tại gia đình, các tập quán ma chay, cưới gả, hiếu hỷ đều theo truyền thống, sinh hoạt vawnhoas cộng đồng… tuy nhiên cũng có những tiết lệ riêng của làng xã, các dân tộc tiểu số vẫn giữ được nét văn hóa riêng như hát “Slịnh ca” của dân tộc Cao Lan, làm ma khô cho người chết của dân tộc Cao lan; hát sli, lượn của dân tộc Tày, Nùng.

          Các ngày tết cổ truyền: Là ngày tết lớn nhất trong năm  của xã, cũng như bao vùng quê khác, từ xa xưa đến nay, tết nguyên đán không chỉ là sự ăn ngon, mặc đẹp mà ngày tết còn là dịp để mọi người đến với nhau gần hơn, với những lời chúc mừng tốt đẹp; những xích mích, mâu thuẫn trong năm đề được gác lại. mọi nhà đều tổ chức ăn uống, vì vậy dù khó khăn túng thiếu đến đâu mọi nhà đều phải chạy vạy lo cho cái tết đầy đủ. Sau tết nguyên đán, vào tháng giêng theo lệ hàng năm dân làng tổ chức lễ hội để cầu mong cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngoài tết nguyên đán các dân tộc ở xã còn có phong tục ăn các tết nhỏ lẻ trong năm như: Tết rằm tháng giêng; mùng ba tháng ba tết thanh minh - tảo mộ; mùng năm tháng năm tết Đoan Ngọ; rằm tháng bẩy; rằm tháng tám…

          Riêng dân tộc Cao Lan để chuẩn bị cho tết nguyên đán đón mừng năm mới là có phong tục dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là phông làn), nếu trong năm gia đình nào có người mới chết thì dán giấy xanh. Khoảng trước tết 2 ngày tức ngày 28, 29 tháng chạp là ngày “Niêm phong” cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy đỏ để các vật này được “Nghỉ tết”, toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ. Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là mong muốn sang năm mới làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi.

          Ngày tết, bất kỳ gia đình nào cũng làm bánh vắt vai, đó là loại bánh đặc trưng của dân tộc Cao Lan, bánh được làm từ gạo nếp, gói bằng lá chuối, nhân bánh là đỗ và đường, ngoài ra còn có bánh trưng, bánh rán, bánh khảo như các dân tộc khác. Ngoài các loại bánh đó, trong dịp tết nguyên đán, ở các gia đình Cao Lan đều treo, ướp thịt lợn, thịt gà để dùng trong suốt những ngày tết; tuy nhiên, trong dân tộc Cao Lan, tuỳ theo từng dòng họ mà có sự kiêng khem bắt buộc, có lẽ do quan niệm từ cổ xưa, người Cao Lan coi những con vật được kiêng khem ấy là thuỷ tổ của dòng họ mình nên người ta không ăn thịt mà chỉ thờ cúng. Ví dụ: Dòng họ La, kiêng cá quả, Còn hầu hết các họ tộc người Cao lan khác ngày xưa là kiêng thịt chó, thịt trâu, bò.

          Ngày nay, sau bao nhiêu năm trải qua các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển kinh tế thị trường xoá đói giảm nghèo; các dân tộc sống đan sen lẫn nhau nên một số phong tục, tập quán đã bị pha trộn không còn lưu giữ được đầy đủ các phong tục, tập quán của dân tộc mình mà đã bị đồng hoá, mai một theo dòng thời gian.

           Những nét khái quát về vùng đất, con người và truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của xã Tiện Tân đã phần nào giúp ta có cơ sở thực tế để tự hào về quê hương. Đó vừa là tiền đề, vừa là yếu tố vật chất, tinh thần để nhân dân xã Thiện Tân tiếp tục phát huy trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa quê hương ngày càng giàu đẹp, cùng cả nước hoàn thành mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

B. TIỀM NĂNG CỦA XÃ THIỆN TÂN

          Có nguồn lao động dồi dào và phong phú. Đây là nguồn lực lớn giúp tăng trưởng kinh tế.

          Tiềm năng đất nông nghiệp cao, chiếm 84,61% tổng diện tích đất tự nhiên xã.

          An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã cơ bản ổn định. Chất lượng hoạt động của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị trong hệ thống chính trị cơ sở ngày càng nâng cao. Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhân dân đoàn kết cần cù sáng tạo trong lao động và phát triển kinh tế.    

          Cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đang từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại sẽ tạo thuận lợi cho kinh tế xã hội của xã Thiện Tân có thể tăng trưởng và phát triển nhanh hơn.

          Là địa bàn khá rộng, đất đai, khí hậu thời tiết cho phép phát triển nông nghiệp đa dạng hoá sản phẩm.

          Đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; ứng dụng những kỹ thuật, cách làm mới vào sản xuất, chú trọng ưu tiên các loại giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt, các loại con giống vật nuôi phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương. Duy trì ổn định diện tích cây lương thực trên địa bàn, tăng cường thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi, các hồ, đập, tích trữ nước. Kịp thời khơi thông mương máng, đảm bảo lượng nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.

          Chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

          Phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại trên địa bàn xã gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông thôn đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn

About